Làng chài cổ Nhơn Lý quy tụ những gì đặc sắc nhất của bán đảo Phương Mai (Bình Ðịnh), là sự kết hợp ngẫu hứng của biển, đá, núi, cát và những bãi tắm thiên đường. Bản sắc văn hóa từ những thế kỷ trước vẫn còn đậm đặc từ làng chài cổ cho đến con người, lối sống, kiến trúc nhà cửa …

Những điểm du lịch nổi tiếng ở Nhơn Lý

  1. FLC Quy Nhơn
  2. Sáu đạo sắc phong
  3. Đình làng Hưng Lương
  4. Đình làng Xương Lý
  5. Chùa Phước Sa
  6. Tịnh xá Ngọc Hòa
  7. Lăng Nam Hải vạn đầm Hưng Lương
  8. Lăng Nam Hải vạn đầm Xương Lý
  9. Bãi biển Hưng Lương
  10. Eo Gió
  11. Suối Cả
  12. Kỳ Co

Lịch sử của làng chài Nhơn Lý

Xã Nhơn Lý nằm trên phần phía đông của bán đảo Phương Mai – cách TP Quy Nhơn hơn 20 km, có diện tích tự nhiên 1.446 ha nhưng phần lớn là đồi núi và cát trắng bao phủ. Xã chỉ quản lý khu vực dân cư tập trung với diện tích 94 ha quanh làng chài cổ, phần còn lại do Ban quản lý Khu Kinh tế tỉnh quản lý. Nhơn Lý đang thay đổi từng ngày về cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế được nâng cao. Người dân nơi đây giờ không chỉ còn trông chờ vào ngư nghiệp mà đang hướng mạnh sang du lịch.

Năm 2018, xã đón hơn 329 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có nhiều khách quốc tế. Kinh tế phát triển mạnh mẽ, thu ngân sách tăng nhanh từ 133 triệu đồng năm 2015 lên 6,1 tỷ đồng năm 2018. Nhiều gia đình ở Nhơn Lý đã chuyển từ đánh bắt hải sản sang khai thác các dịch vụ du lịch. Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý Nguyễn Tấn cho biết: Người dân ở đây quen đánh bắt gần bờ, sử dụng thuyền lớn cỡ 12 m dài.

Cứ đi theo mùa cá dọc biển miền trung, đến cả Khánh Hòa, Thanh Hóa, có khi đi cả tháng mới về. Trước năm 2014 đàn ông đi biển đánh cá, đàn bà ở nhà trông con, nội trợ chờ chồng. Từ khi dịch vụ du lịch phát triển thì có nhiều việc, nhà nhà đua nhau làm ăn, không còn cảnh ngồi không tán dóc như trước nữa.

Cảnh quan làng chài, nghề đánh bắt cá truyền thống, bãi tắm đẹp và Eo Gió đã trở thành tài nguyên thiên nhiên và nhân văn hấp dẫn, thu hút khách đến với Nhơn Lý. Nhà cửa ở làng chài san sát như phố cổ Hội An, đường lên xuống quanh co vì địa hình tựa núi hướng biển.

Xen lẫn những ngôi nhà mới xây là rất nhiều ngôi nhà có từ những năm 1970 của thế kỷ trước với những bức tường rong rêu, những giàn hoa giấy, những ô cửa sổ mầu xanh lá cây, gợi nhắc về một thời quá vãng. Làm ngư nghiệp, nhưng làng chài lại không hề có mùi tanh của cá, rất sạch sẽ.

Những quán cơm dành cho dân chài nằm sâu mãi trong các ngõ, ngách. Cứ qua một khúc cua lại có một ngôi đền hoặc miếu cổ. Chỉ cần nhìn những gốc bàng mấy người ôm, sần sùi, tán lá phủ kín ngôi miếu nhỏ cũng có thể đoán được tuổi đời của chúng lên đến hàng trăm năm.

Các con đường chính trong thôn đều hướng tới bãi biển, bám theo các con dốc và dẫn nước mưa ra biển một cách tự nhiên. Ðó không phải là những con đường thẳng tắp mà khúc khuỷu để hạn chế sức gió từ biển quét thẳng qua và đủ hẹp để tạo ra bóng râm nhằm chống cái nóng oi ả. Các tuyến đường theo phương dọc được kết nối với nhau bằng những tuyến đường ngang, nơi bày biện các cửa hàng, tiệm tạp hóa và dẫn đến các điểm sinh hoạt cộng đồng của làng như đình, chùa, miếu.

Ấn tượng mạnh mẽ trước kiến trúc độc đáo của làng chài Nhơn Lý, một số kiến trúc sư người Mỹ đã làm một bộ sưu tập kỳ công về kiến trúc các ngôi nhà và đề xuất một dự án bảo tồn làng cổ Nhơn Lý theo mô hình phố cổ Hội An. Họ so sánh Nhơn Lý với những ngôi làng cổ nổi tiếng của các nước và phát hiện ra rằng, ở Nhơn Lý, những ngôi nhà xếp lớp từ thấp lên cao và chỉ có một đến hai tầng để không cản trở tầm nhìn ra biển của những ngôi nhà khác. Thật dễ hiểu vì ngư dân là những người luôn ngóng ra biển, chờ thuyền về, tiên lượng bão tố. Phương xa lại là Biển Ðông mênh mông sóng nước, nơi thử thách lòng quả cảm của ngư dân.

Cả xã Nhơn Lý hiện có bốn thôn là: Lý Chánh, Lý Hòa, Lý Lương, Lý Hưng thì mỗi thôn có một ngôi chùa, theo bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Bốn ngôi chùa có bốn tượng Phật ở vị trí cao hơn hẳn, đóng vai trò như những ngọn hải đăng, định hướng cho ngư dân. Ngày trước, các ngôi miếu, ngôi chùa nằm xa khu dân cư, sau này người dân làm nhà cả trên núi, thành ra miếu, chùa lại nằm giữa thôn.

Người trông coi đền được gọi là chánh đền, trông coi miếu, vạn đầm (đình) được gọi là chánh bái. Ðó là những người có uy tín trong thôn, được dân cử ra. Xã vẫn lưu giữ sáu sắc phong từ triều Nguyễn dành cho lăng Nam Hải vạn đầm Hưng Lương, được xây dựng từ thế kỷ 18. Tại đây, cứ vào ngày 10 tháng 5 âm lịch, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội cầu ngư để mong cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cuộc sống sung túc, bình an. Trong lễ hội, mọi người được thưởng thức màn diễn xướng dân gian chèo Bả Trạo của vùng đất này. Trên bãi biển nơi đây còn có những giếng nước ngọt kỳ lạ. Khi nước thủy triều rút, nước ngọt từ mạch trồi lên, chỉ việc lấy ca múc uống.

Nhơn Lý đang trên đà phát triển nhanh, mạnh song hành với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phát triển kinh tế càng nhanh thì càng cần giáo dục người dân về các giá trị văn hóa của địa phương, để mọi người đều tham gia giữ gìn, biến các giá trị truyền thống thành các sản phẩm du lịch bền vững. Ðúng như đánh giá của các kiến trúc sư nước ngoài: Làng chài Nhơn Lý là một kho báu, một di sản văn hóa, du lịch của Bình Ðịnh và Việt Nam nói chung.

Nhơn Lý với những điều thú vị ít ai biết

Quy Nhơn chỉ đến một vài lần nhưng mình đã có cảm giác khá thích thú. Nếu bạn đi Quy Nhơn nhớ đừng quên ghé nơi đây, du lịch Kỳ Co & Eo Gió… đồng thời thả mình trong sự bình yên của làng chài Nhơn Lý cổ kính này nhé.

Cơ duyên đã đưa nhà thiết kế đô thị nổi tiếng người Pháp là kiến trúc sư Lecaron, cùng một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đến Nhơn Lý. Ðiều ấn tượng mạnh đối với họ không phải là những cảnh đẹp biển, đảo đang “hot” nơi đây, mà lại đánh giá cao những giá trị di sản ở làng chài, vốn trước giờ mọi người nghĩ là bình thường, thậm chí lạc hậu.

Tháng 4.2018, Sở Du lịch phối hợp với UBND TP Quy Nhơn tổ chức Hội thảo chuyên đề “Bảo tồn văn hóa, kiến trúc làng ven biển để phát triển du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lý”. Báo cáo tại Hội thảo, kiến trúc sư (KTS) Đặng Thục Trang, Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc Scene Plus (TP Hồ Chí Minh), cho biết qua tiến hành khảo sát nhà dân làng chài Nhơn Lý (xây dựng từ năm 1960 – 2005), có nhiều ngôi nhà nhỏ thiết kế đẹp, thể hiện tính sáng tạo, tỉ lệ hài hòa, phối màu tốt… “. KTS Lecaron mới đầu cứ quả quyết rằng những ngôi nhà xưa cũ ở Nhơn Lý phải có KTS thiết kế thì mới được như vậy…nên ông rất ngạc nhiên khi tìm hiểu sau đó được biết là do những người thợ ngay tại địa phương xây dựng sau khi họ và gia chủ trao đổi ý tưởng”, KTS Thục Trang kể. Khi biết điều đó, KTS Lecaron luôn miệng thốt lên rằng “kỳ diệu”.

Nhơn Lý – Nét mới lạ từ xưa cũ

Theo khảo sát đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế, hình thái đô thị của làng chài Nhơn Lý có nét đặc trưng độc đáo riêng, hoàn toàn được bố trí dựa vào tập quán và đặc điểm nghề cá để ngư dân có thể sinh sống và làm việc tiện lợi, an toàn. Tất cả các con đường chính ở làng chài đều hướng ra bãi biển (nơi có bến cá được xem là trung tâm của làng chài), tạo thành những tuyến giao thông hình tia (theo phương dọc) bám theo các con dốc và dẫn tất cả nước mưa ra biển một cách tự nhiên. Các con đường này không thẳng tắp mà khúc khuỷu để ngăn gió từ biển quét thẳng qua, cũng như hẹp để tạo bóng râm…

Trò chuyện với tôi, KTS Thục Trang tấm tắc: Làng chài Nhơn Lý nằm ở địa hình dốc ra biển, các ngôi nhà, lối đi, mương thoát nước được làm rất sáng tạo theo phong cách dân gian hiếm có ở Việt Nam và các nước châu Á khác, nhưng điều kỳ lạ là nó lại khá giống với các làng chài ở châu Âu…

Khi được chúng tôi hỏi về những nhận xét của đoàn khảo sát, lão ngư Phạm Mai (67 tuổi, thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý), tỏ ra tâm đắc về những đánh giá mới lạ của những người phương xa mà dân địa phương như ông chưa bao giờ nghĩ đến. “Ra khơi đánh bắt kiếm sống hằng ngày nên các nhà dân đầu tiên của làng đều ở giáp mặt biển, sau dân cư đông thì cất nhà lên dần vùng đồi núi phía trên. Dù nhà xây trước xây sau thế nào cũng tuân thủ chừa đường đi ra biển cho bà con…”, ông Mai cho biết.

Nhơn Lý nét đẹp của làng chài xưa

Nhờ sự nhiệt tình của ông Bùi Văn Sanh, Trưởng thôn Lý Lương, xã Nhơn Lý, chúng tôi được luồn theo những đường dốc, uốn khúc lượn sâu trong làng chài vào một ngày đẹp trời cuối năm 2018. Dựng xe máy ở phía đầu thôn, chúng tôi bắt đầu đi bộ xuống thấp dần theo hướng biển.

Nhà dân ở Nhơn Lý thường phân bố theo từng tầng rải đều theo độ dốc của những lối đi quanh co. Kiến trúc nhà khá đa dạng, phần lớn đều được xây bằng những vật liệu bền chắc, lối kiến trúc vững chãi, màu thời gian đã nhuốm đều khắp cả xóm. Nhiều ngôi nhà có nền móng đá chẻ nâng cao vọt lên, rêu xanh bám dày. Từ xa xưa, người dân nơi đây không đủ điều kiện bạt phẳng sườn đồi lấy chỗ làm nhà mà bám theo độ dốc nên nhiều căn, trước ngõ phải có thêm tam cấp bằng đá hoặc cầu thang để lên nhà. Đây là nét, chất riêng thu hút ánh nhìn của khách lạ mỗi khi ngang qua.

Dốc uốn lượn quanh co nên có nhiều quãng, tôi đang đi bên hiên nhà người này nhưng trên đầu lại là sân nhà người khác. Chúng tôi ghé thăm gia đình cụ Lê Văn Kính (78 tuổi) – một ngôi nhà nhỏ, nằm ở lưng chừng dốc. Bước vào cửa là phòng khách, nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên khi được cụ Kính mời theo cầu thang xuống phía dưới qua một tầng nhà bếp và phòng ăn, rồi đi xuống tầng dưới tiếp theo để đến phòng thờ được bày biện tinh tế theo kiểu cổ điển ở làng biển. Bước ra khỏi cửa phòng thờ lại thấy một cái cổng nhỏ với “viu” mở toang ra phía biển. Hóa ra đây mới là cổng chính của ngôi nhà.

Giữa trưa nắng nhưng cụ Kính còn nhiệt tình ra khỏi nhà để dẫn chúng tôi đi men theo con đường dốc xuống phía dưới khu vực giếng cổ của làng. “Từ nhỏ tôi được nghe người lớn kể lại giếng cổ này phải có tuổi đời ít nhất trên 200 năm. Để xây dựng giếng, khi đó phải đào cát theo bán kính xung quanh cả trăm mét, sâu xuống vài chục mét mới tìm được nguồn nước. Dù khô hạn thế nào thì nước cũng có quanh năm cho dân làng sử dụng…”, cụ Kính cho biết. Người dân đang tôn tạo lại giếng cổ đẹp hơn, làm mới lại tấm bình phong bằng xi măng được dựng phía trước giếng từ cách đây hơn 60 năm.

Từ khu vực giếng cổ, chúng tôi đi men theo con đường nhỏ ngược lên nơi có con dốc cao nhất ở thôn Lý Lương. Ngay ngã ba có tên gọi “dốc quán” là nơi đặt một tảng đá lớn. “Theo các cụ ngày xưa kể lại, cách đây khoảng gần 2 thế kỷ, một người giàu có trong vùng đã thuê nhiều thanh niên xúm khiêng tảng đá to này từ trên núi về đặt ở vị trí gần nhà ông. Hằng ngày ông ra ngồi trên “đài quan sát” này theo dõi ngư dân của ghe thuyền mình đánh cá ở khu vực biển trước làng…”, cụ Kính kể.

Nhơn Lý – Hướng đến du lịch cộng đồng

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của làng chài Nhơn Lý, tháng 8.2018, Công ty TNHH Kiến trúc Scene Plus cùng ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc Quốc gia Normandie (Pháp) và Viện ĐH Mở Hà Nội tổ chức khảo sát nghiên cứu về nhà ở và hình thái đô thị, cảnh quan, không gian công cộng các làng chài này.

Nhóm nghiên cứu đã đề xuất cải tạo không gian khu vực nghĩa địa xã Nhơn Lý, nằm trên tuyến đường chính dẫn vào khu vực trung tâm xã, nơi các đoàn khách du lịch đều phải đi ngang qua. Khu nghĩa địa nằm trên đồi cát rộng được đề xuất cải tạo theo hướng có các tuyến đường chính và đường nhánh được xây dựng bằng các vật liệu tự nhiên. Điểm giao các tuyến đường chính sẽ tạo những không gian công cộng, trồng cây xanh tạo cảnh quan để có thể tạo nên “khởi đầu từ sự kết thúc” thu hút du khách ghé vào khu nghĩa địa được cải tạo đẹp là điểm đầu tiên trong hành trình thăm quan Nhơn Lý.

Đồng thời đề xuất hình thành những tuyến, điểm du lịch tìm hiểu nghề truyền thống, các công trình văn hóa tâm linh. Tôn tạo các con đường dốc trong làng chài theo hướng tạo nên những “điểm nhấn” thu hút và thuận lợi hơn cho khách thăm quan…Và có các mô hình du lịch cộng đồng để du khách gần gũi, trải nghiệm đời sống làng chài. Đồng thời, tạo nguồn thu nhập cho người dân gắn với phát triển du lịch một cách bền vững.

Đoàn nghiên cứu đã nhận được sự đánh giá cao và nhiều ý kiến góp ý từ phía địa phương, các nhà chuyên môn để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung thêm. Qua đó, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tổ chức lập quy hoạch phân khu bảo tồn và phát triển du lịch bền vững tỉ lệ 1/2000 khu vực làng chài xã Nhơn Lý trong tương lai.

“Nhơn Lý cần quan tâm phát triển du lịch cộng đồng mang tính bền vững, chứ không nên chạy theo phát triển du lịch một cách ồ ạt sẽ gây “tổn thương” và đánh mất nhiều giá trị đặc sắc riêng của địa phương. Giá trị của quần thể kiến trúc không chỉ đơn thuần nằm ở những công trình cụ thể mà còn nằm ở tổng thể không gian cảnh quan chung. Trong việc lập quy hoạch bảo tồn thời gian tới, cần có quy chế quản lí về kiến trúc cảnh quan làng chài theo hướng mở, linh hoạt chứ không cứng nhắc. Qua đó, đảm bảo sự phát triển cần thiết trên cơ sở quy hoạch cụ thể những chỗ nhà ở được cơi nới, mở rộng, hay khu vực tôn tạo, xây dựng công trình mới, phục vụ đời sống người dân, khách du lịch nhưng không phá vỡ cảnh quan hài hòa”.

Bà FABIENE FENDRICH, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Normandie, Pháp

Nhơn Lý – Những địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Quy Nhơn

Du lịch Eo Gió & Kỳ Co phát triển, trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Quy Nhơn thì một phần không nhỏ gia đình tại khu vực xã Nhơn Lý đã chuyển từ việc đánh bắt hải sản qua khai thác các dịch vụ du lịch liên quan. Thế nhưng dù cho thế nào đi nữa, những nếp nhà nơi đây, những con hẻm nhỏ vẫn đầy cổ kính và yên bình.

Vì là vùng biển, ở khu vực Nhơn Lý và Eo Gió còn nổi tiếng với hải sản tươi sống ngon. Nếu bạn có ý định du lịch ở Kỳ Co, Eo Gió cũng như FLC Quy Nhơn thì thì có thể tham khảo ăn uống hải sản ở nhà hàng Leng Keng 2 Nhơn Lý ngay vịnh Eo Gió, đây là một quán có View đẹp, rộng rãi và rất nhiều loại hải sản ngon.

Hãy đến Nhơn Lý, quê hương tôi để trải nghiệm những điều thú vị ở làng chài ven biển này cùng Leng Keng 2 nhé.

 

3.3/5 - (3 bình chọn)

Để lại ý kiến của bạn:

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *